CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA THỊ TRẤN PHỦ THÔNG

0
  1. Các cơ sở tín ngưỡng

Cư trú ở vùng đất cổ Đông bắc là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, từ xa xưa nhân dân Phủ Thông đã xây dựng nên những công trình kiến trúc như đền, đình, miếu… làm nơi thờ tự và sinh hoạt văn hóa tâm linh. Ngày nay, do nhiều lý do, các đền, đình, miếu địa phương đã lụi tàn cùng với thời gian và lịch sử.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, ở giữa phố trên và phố dưới có một ngôi đình Quan Đế do người Hoa ở Phủ Thông tạo dựng nên để các ngày mồng 1 và 15 hàng tháng, ngày lễ, tết bà con đến thắp hương đèn, lễ vật cầu sức khỏe, cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn phát đạt…Đình gồm 3 gian rộng rãi, bề thế, có nhiều bậc tam cấp. Đây cũng là địa điểm đồng chí Đàm Quang Trung đến nói chuyện, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng Phủ Thông vào đêm 26-3-1945. Ngày 29-8-1947 thực dân Pháp ném bom san bằng đình Quan Đế.

Chùa SLấn SLảnh là ngôi chùa lớn nhất và nổi tiếng nhấy của tổng Phương Linh cũ. Theo tương truyền từ thời xa xưa, vùng đất bắ Vĩnh Thông (tức Bạch Thông ngày nay) loạn lạc triền miên hết toán cướp này đến toán cướp khác của giặc phương Bắc qua lại quấy nhiễu. Trước thực tế đó triều đình đã điều một đạo quân dưới sự chỉ huy của viên quan Quận công lên trấn giữ ơ Vĩnh Thông, lập trại binh Nà Sang (xã Vi Hương). Sau nhiều năm truy quét, sách bóng các toán cướp ngoại bang, nhân dân có cuộ sống ổn định yên tâm làm ăn, mở rộng giao lưu buôn bán tại chợ Vi Hương và cánh động Nà Chợ ngày nay.

Rồi nhiều năm sau đó lại có một toán giặc Tầu kéo vào bà con gọi đó là giặc Lục A Slống cũng đến xã Vi Hương lập doanh trại ở chân núi Phja bjooc, hàng ngày chúng bắt nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến sào huyệt để cống nạp lương thực, thực phẩm đầy đủ cho bọn chúng  rồi cho quân đi cướp giật đồ hàng tại chợ Vi Hương, càng ngày chúng càng vô nhân tính cho quân tản các nơi cướp của, giết người không thương tiếc.

Được tin dữ này triều đình khẩn cấp điều một vị quan phủ họ Dương với một đạo quân có đủ tiềm lực voi ngựa đến trấn giữ ở khu Nà Hái xã Phương Linh nhằm bao vây và cô lập giặc Tầu ở Vi Hương để tiêu diệt, đồng thời tuyên chiến với bọn chúng tại cánh đồng Nà Phải xã Phương Linh, trong trận quyết chiến ác liệt ấy do sơ xuất viên quan phủ họ Dương bị giặc sát hại, chém thủ cấp rơi xuống đám ruộng ở cánh đồng Nà Phải, còn phần thân vẫn bám trên lưng ngựa chiến vung gươm băng băng rượt đuổi chém, giết kẻ thù tới tấp, thấy vậy những tên giặc sống sót bại trận kinh hồn bạt vía chạy bán sống bán chết vào Vi Hương, còn thân mình của viên quan Phủ họ Dương vừa phi ngựa đến Phai Luông thì rơi xuống bờ sông Vi Hương.

Đền Sl lấn S lảnh- Thi

Đền Slấn Slảnh – Thị trấn Phủ Thông

Về sau mấy anh em họ Dương và bà con ở bản Nà Phải cùng nhau lập một cái miếu để thờ vị quan cùng họ Dương tại đất Phai Luông, được bà con tôn là thần, nên gọi đó là “Slấn Phủ Lương” tức miếu thờ vị quan phủ họ Dương, đến nhiều năm sau đó nhân dân xã Phương Linh và phố Phủ Thông cùng góp tiền của và công sức xây cất một ngôi đền 3 gian bề thế bằng gạch ngói kiên cố hướng Đông Bắc bên cạnh một cây đa cổ thụ cành lá xum xuê  và được bà con tôn là thánh nên mới đặt tên là “đền Slấn Slảnh” tức “ đền Thần Thánh” để hương khói, tôn thờ, tri ân vị tướng quan phủ họ Dương đã có công lớn tiêu giệt giặc ngoại xâm, giữ cho quốc thái dân an và đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất Vĩnh Thông tức huyện Bạch Thông ngày nay, triều đình phong kiến đã cấp cho đền Slấn Slảnh nhiều sắc phong và có cả “Thần phả” ([1]) do họ Hoàng có uy thế ở bản địa nắm giữ và cũng là người chủ tế trong buổi tế lễ thần linh ngày 19 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Slấn Slảnh, cũng từ khi có đền Slấn Slảnh, cứ vào đầu xuân ăn tết nhàn rỗi người dân bản địa mới tổ chức lễ hội Lồng tồng Phủ Thông để tri ân người anh hùng họ Dương có một kỳ tích lưu danh để giáo dục truyền thống và kết hợp tổ chức vui xuân với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn không thể nào quên. Đó là ngày 20 tết âm lịch “Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông”, như vậy rõ ràng đền Slấn Slảnh là một địa chỉ độc nhất vô nhị([2]), là linh hồn của lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, như một chứng tích lịch sử và có nhiều tên gọi khác nhau nhưng vẫn là một “lễ hội Lồng tồng Phủ Thông”. Ngày nay đền Slấn Slảnh đã được nhân dân thị trấn Phủ Thông tôn tạo, tu sử khang trang để bà con nhân dân gần xã đến thắp hương đèn, lễ vật cầu sức khỏe, cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn phát đạt…và là địa điểm chính tổ chức phần lễ của Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông.

(1). Thần phả: là những tư liệu ghi lại công lao của vị thánh Tướng họ Dương.

(2). Độc nhất vô nhị: Có một không hai.

  1. Đồn Phủ Thông

Đồn Phủ Thông nằm trên địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; cách thị xã Bắc Kạn 18km về phía Bắc – Đông Bắc, nằm cạnh Quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng. Toàn bộ khu vực này là núi đất với độ cao trung bình trên 350m. Đồn được xây dựng trên một mỏm nhỏ nhô ra của núi Nà Cọt, độ cao gần 200m, cách ngã ba Phủ Thông 300m.

Ngày 7/10/1947, binh đoàn đổ bộ đường không của quân viễn chinh Pháp với gần 1.200 tên đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, ngày 15/10 chúng tiến quân lên chiếm đóng Đồn Phủ Thông. Lực lượng địch đóng ở Đồn Phủ Thông có 1 Đại đội bộ binh, 1 Trung đội trợ chiến với quân số khoảng 150 tên, được trang bị nhiều loại vũ khí.

 Di tích lịch sử Quốc gia Đồn Phủ Thông

Đồn dài 100m, rộng 50m; tường đắp bằng đất dày 1m, cao 2m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, bốn phía có nhiều lỗ châu mai, bốn góc đồn có 4 lô cốt mẹ, có đài quan sát. Nhà chỉ huy ở chính giữa đồn, địch đào hầm từ nhà chỉ huy, nhà lính thông đến các lô cốt. Ngoài bờ tường có 3 lớp hàng rào tre nứa. Từ vị trí này, Đồn Phủ Thông như một mũi dùi cắm vào lòng Việt Bắc.

Ngày 8/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Trong những năm 1947 – 1948, khi địch mới chiếm đóng Đồn Phủ Thông liên tiếp gặp phải các trận công đồn của quân ta, khiến cho chúng tinh thần hoang mang.

Trong đó, trận tập kích lần thứ nhất đêm 30/11/1947 đã tiêu diệt và hạ thương 50 tên địch, thu 2 súng máy, 1 súng trường. Đây là lần đầu tiên quân địch bị tiêu diệt ngay tại sào huyệt có công sự kiên cố. Ta thực hiện một phần nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, làm tiền đề cho trận đánh tiếp theo.

Đêm 12/3/1948, quân ta mở trận tập kích thứ hai vào Đồn Phủ Thông. Trận này, quân ta phá sập phần lớn công sự và doanh trại trong cứ điểm, làm thương vong gần 70 tên địch. Sau trận này, quân ta liên tiếp nắm thế chủ động trên mặt trận đường số 3.

Ngày 25/7/1948, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở trận công đồn lần thứ 3 vào Đồn Phủ Thông. Lực lượng tham gia đánh Đồn Phủ Thông lần này gồm Tiểu đoàn bộ binh 11 thuộc Trung đoàn 308, được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) và Đại đội Ba Bể, có hỏa lực pháo của Tiểu đoàn 410 tăng cường đánh Đồn Phủ Thông để thực hiện mục đích chiến dịch và thực hiện chiến thuật diệt cứ điểm bằng phương pháp cường tập có hỏa lực.

Khoảng 18 giờ ngày 25/7/1948, pháo binh của Tiểu đoàn 410 nổ súng, phá sập một phần khu thông tin, phá hủy đường rào giao thông hào bao quanh điểm. Tiểu đoàn 11 chia làm hai mũi tiến công vào Đồn. Quân ta cắt hàng rào dây thép gai, phá hàng rào tre nứa, bắc thang phên trèo qua tường tiến công vào Đồn. Địch hoảng sợ, rút xuống hầm ngầm, quân ta làm chủ chiến trường, thu vũ khí, chiến lợi phẩm. Sau ít phút đầu hoang mang, địch phục hồi lại thế phòng ngự, chống trả quyết liệt, tập trung hoả lực súng máy, súng cối ngăn chặn các đơn vị vào sau, quân ta có một số chiến sỹ hy sinh, bị thương. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ đêm. Ta rút khỏi Đồn, tuy không chiếm dược cứ điểm nhưng đã tiêu diệt, làm bị thương 3/4 quân số trong đồn, phá hủy nặng nề hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn; thu được 5 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường, một số đạn, lựu đạn.

Trận cường tập Phủ Thông là một trận đánh công kiên bằng hỏa lực, quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên. Tuy không giành thằng lợi hoàn toàn, song trận đánh Đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948 có ý nghĩa to lớn. Đây là trận tập dượt của quân đội ta nhằm chống lại chiến thuật phòng ngự kiểu “cứ điểm nhỏ” của thực dân Pháp; đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta về khả năng và phương pháp tác chiến. Trận tập kích đã giáng một đòn mạnh vào mắt xích quan trọng của địch trên tuyến đường số 3; cùng với những trận đánh khác phá vỡ âm mưu củng cố “mũi dùi” cắm vào lòng Việt Bắc của thực dân Pháp. Sau trận công Đồn Phủ Thông, quân địch ở các cứ điểm không dám càn quét, sạo sục các vùng xung quanh, quân ta giành được chủ động trên địa bàn Bắc Bạch Thông.

Trận Phủ Thông được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên của bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm, có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến công lên con đường đánh công kiên, đặc biệt là chiến dịch Giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong cả 30 năm kháng chiến”

Ngày 27/3/1998, Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 01/6/1999 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Phủ Thông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Lịch sử Đảng bộ thị trấn Phủ Thông